http://dantri.com.vn/c133/s133-371425/chuyen-cua-nhung-thanh-phan-doi-du-noi-cong-so.htm
Đọc xong bài viết, ấn tượng đầu tiên là cảm thấy một sự thật đầy bất công. Người có năng lực lại không được trọng dụng, người không có năng lực lại lên như diều gặp gió. Làm thế nào để có thể thay đổi được cán cân lệch này? Những người như Lân với Lan đầy ra đó, có đem ra bắn cũng không hết. Chưa kể đến việc có cung mới có cầu, có người thích ngọt mới có kẻ nịnh. Có nghĩ mãi cũng không thể giải quyết được vấn đề...
Tuy nhiên mọi vấn đề đều có thể được giải quyết nếu đặt lại vấn đề theo một cách khác, ta thử đặt câu hỏi "làm thế nào để Thảo nhận được tương xứng với những gì Thảo làm được?", hoặc "liệu Thảo đã nhận được tương xứng với những gì Thảo làm được hay chưa?".
Mọi mối quan hệ đều được xây dựng dựa trên nguyên tắc win-win, tức đôi bên cùng có lợi. Trong quan hệ làm ăn thì win ở đây chính là lợi ích vật chất. Còn như trong mối quan hệ cha-mẹ và con cái thì win ở đây có thể ví như là niềm vui sướng hạnh phúc của người mẹ khi thấy con mình khôn lớn.
Trong trường hợp của Thảo, cần xem xét lại cán cân lợi ích giữa Thảo và công ty. Nếu cán cân đó nghiên về phía công ty nhiều hơn, có lẽ tốt nhất là Thảo nên đi tìm nơi khác. Trong trường hợp bằng hoặc ngược lại, Thảo cần phải tự đặt cho mình một câu hỏi là "liệu mình có thể làm gì để cải thiện tình thế". Nếu như theo bài báo mô tả thì có vẻ trường hợp 2 nhiều hơn vì những bài Thảo viết còn chưa được đăng lên thì chắc chắn là phần lợi về phía công ty là không nhiều.
Như vậy, để cải thiện tình hình thì Thảo phải làm gì đây? Thay đổi bản thân để trở thành một con người khác? Chắc chắn đây không phải là cách tôi muốn đề cập. Theo tôi, ngoài việc liên tục nâng chất cho những bài viết của mình, Thảo có thể có những lựa chọn sau:
- Vận dụng hết tài năng và năng lực của mình để viết những bài viết theo những mảng đề tài thu hút nhiều độc giả hơn, đem lại cho tòa soạn một nguồn thu nhập lớn. Bằng cách này tất nhiên Thảo cũng sẽ được công ty trọng dụng. Tuy nhiên đây cũng không phải là cách mà nhiều người thích vì nó không theo đúng sở trường của họ.
- Những bài viết về xã hội dù viết tốt cách mấy thì cũng không thể đem vào một tờ báo kinh tế. Thảo có thể chuyển chỗ làm sang một chỗ khác, nơi mà những bài viết của Thảo có nhiều giá trị hơn, và tương ứng cô cũng nhận được xứng đáng hơn.
- Trong trường hợp Thảo không muốn chuyển chỗ làm, hoặc là vì lý do cơm áo gạo tiền, nếu ở những chỗ làm khác dù được coi trọng hơn nhưng mức lương cũng chẳng là bao, Thảo có thể dùng cách đóng góp lợi ich gián tiếp bằng cách viết nhiều bài thật hay đăng lên blog, hoặc gửi đến những tạp chí nghệ thuật, xã hội hay chính trị... nơi mà ở đó những bài viết của Thảo sẽ nhận được nhiều lời phê bình đánh giá. Từ đó góp phần xây dựng nên danh tiếng cho bản thân. Danh tiếng này sẽ chính là cầu nối để nâng cao danh tiếng và uy tín của công ty, đem lại lợi nhuận cho công ty. Ví dụ nếu blog Thảo được nổi tiếng nhiều người biết thì qua đó họ sẽ biết đến tên tuổi công ty Thảo đang làm việc.Và tất nhiên công ty sẽ chẳng dại gì mà bạc đãi một người như Thảo.
Tuy rằng cuộc đời không phải chỉ có màu hồng, nhưng nếu bạn có thể nhìn vấn đề dưới lăng kính tích cực, bạn sẽ luôn tìm thấy đáp án cho mọi khó khăn. Chúc Thảo ngày càng thành công trong sự nghiệp cũng như cuộc sống.