Wednesday, June 20, 2007

Chuyện tình 200 chữ (Quỳnh Vy)

Tác giả: Quỳnh Vy
Nguồn: Quỳnh Vy's Blog

Đêm trăng thanh , gió mát. Phong cảnh cực kỳ loãng moạn. Chàng và nàng cùng nhau mơ ước tương lai.

_ Anh muốn em đẻ con gái đầu lòng, vì con gái sẽ giống em mái tóc và nụ cười. Lại có tính hay khóc nhè đáng yêu lắm. ( Câu tán tỉnh hay nhất mọi thời đại! )

_ Em lại muốn đẻ con trai để có râu ria nhiều giống anh, giống cả đôi mắt vừa dữ dằn vừa hiền lành của anh nữa. ( Sao mà mê trai dữ vậy cà! )

………………..

………………..

……………….

Buổi sáng, bố hấp tấp vừa mang giầy vừa quát to:

_ Con chải đầu nhanh lên rồi bố chở đi học. Sáng ra đã khóc lè nhè phát chán. Sao giống mẹ mày thế? Hở ra là khóc. Hở ra là khóc !

Mẹ vừa đét vào đít thằng con vừa hét lên:

_ Hư quá! Mỗi lần giận dỗi là nện đồ chơi xuống đất bể nát. Sao mà hung hăng, dữ dằn giống bố mày thế hả?

…………………..

…………………….

………………………

_ Sao tôi dễ bị dụ dỗ quá trời ơi!........

_ Tôi mê muội quá! Hu hu …..


Tác giả: Quỳnh Vy
Nguồn: Quỳnh Vy's Blog

Sunday, June 17, 2007

Biển và ánh trăng




Biển Và Ánh Trăng

Hà Anh Tuấn ( HAT ) : Nghe biển xanh dịu dàng ru êm
Ru từng con sóng mơ màng
Ru lời yêu thương nồng nàn
Ru bờ môi ngọt hương đêm !

Phương Linh ( PL ) : Em vầng trăng dịu huyền lung linh
Như ngàn sao sáng đêm diệu kỳ
Như ngàn mây vờn trên sóng biếc
Để cuốn Em về , gọi ánh trăng về cùng ai ???

HAT : Biển A
nh xanh lắm , biển mênh mông lắm
Như tình Anh ấm áp , như ngàn con sóng cuốn . Vẫn mãi yêu Em !

PL : Nhẹ nâng câu hát , dịu dàng êm ái
Em vầng trăng trên cao mang tình yêu theo mây và gió !

HAT : Biển Anh xanh màu mắt Em dịu dàng
Biển mênh mông biển hát , biển hát . Lời yêu thương nồng nàn

PL : Câu hát Em nhẹ vút bay cùng ánh trăng vàng
Gửi đến Anh tình yêu , yêu đầu
Theo mây và gío !!!

PL & HAT : Tình ta mãi mãi . Dài theo năm tháng
Như biển xanh sóng cuốn xô bờ ,
Yêu mãi ánh trăng, ánh trăng anh ( em)

Saturday, June 16, 2007

Đồng ca vì công lý

Hãy cất cao tiếng hát để công lý được thực thi http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=205511&ChannelID=3
Đến đúng thời điểm "Đồng Ca Vì Công Lý", trương mục này sẽ hiệu lực. Vào lúc 15h ngày 17/6/2007, chúng tôi cần ít nhất 10.000 (mười nghìn) người online trực tiếp. Đến thời điểm đó, bạn hãy đăng ký vào biểu mẫu dưới, nhấn vào nút "Tham gia đồng ca" để ủng hộ chương trình "Đồng Ca Vì Công Lý". Hãy kêu gọi người thân, bạn bè của bạn cùng tiếp sức để chương trình đạt kỷ lục Việt Nam và kỷ lục thế giới (kỷ lục Guniess) cho sự kiện "Bài hát có nhiều người nghe nhất cùng một thời điểm trên mạng Internet".

Sunday, June 10, 2007

Gọi tên em - Vũ Quốc Việt







Comments

(3 total)















Nhạc gì mà chẳng nghe được. Chờ 10p, lâu lâu hát được chút xíu rồi im luôn :-(


Monday June 11, 2007 - 02:27pm (ICT)

















Tại mạng nhà bà dở :).


Monday June 11, 2007 - 11:49pm (ICT)

















Hehe mạng công ty tui mà dở hả?

Bài hát này chỉ được cái phần dạo đầu hay thôi à, còn ai hát mà gào rú thấy ghê quá, kiểu này chắc yêu cuồng nhiệt mà đang đến lúc cảm xúc dâng trào mới "gào" được như vậy :-))


Tuesday June 12, 2007 - 08:39am (ICT)



















You must be a member of Yahoo! 360° to comment on this blog entry.















Sunday June 10, 2007 - 10:55pm (ICT)



Monday, June 04, 2007

Anh yêu em khác mọi người

(copy lại từ blog của Pearl)

Em bảo anh: "Xe đạp của em hỏng rồi, em phải đi bộ nửa tiếng đồng hồ mới đến nhà ga". Em cứ tưởng là anh sẽ tỏ ra quan tâm và nói: "Sao em không đi taxi? Em có mệt không?" - Thế nhưng anh lại bảo: "Dù sao thì đường cũng gần thôi, và em cũng có dịp để giảm béo".

Em bực mình, cảm thấy anh chẳng yêu em, chẳng quan tâm em. Hôm sau khi ngủ dậy, em thấy trên bàn có chiếc chìa khóa xe đạp của anh và thức ăn bữa sáng thịnh soạn anh đã chuẩn bị sẵn cho em.

Em bảo anh: "Em muốn đi thăm Osaka và Hà Lan để thưởng thức biển hoa tươi ở đấy". Em cứ tưởng anh sẽ tỏ ra quan tâm và nói: "Em muốn đi đâu cơ? Nào, chúng mình lên kế hoạch nhé. Dù là anh nói vài câu đãi bôi cũng được." - Thế nhưng anh lại bảo: "Thật vô vị, bỏ ra một núi tiền đi thăm những nơi chán ngấy ấy để làm gì nhỉ?".

Em tức lắm, cảm thấy anh không yêu em, không hiểu em. Về sau em thấy các tạp chí du lịch trong nhà mình dù là du lịch trong nước hay ngoài nước, cứ trang nào có giới thiệu về thưởng thức hoa, góc cuối trang ấy đều có vết gấp, trên trang ấy đều có ghi chú của anh.

Em bảo anh: "Tóc em rụng nhiều quá, thế mà bác sĩ bảo chẳng sao cả. Em thật sợ có ngày em sẽ trở thành một con hói". Em cứ đinh ninh là anh sẽ an ủi em và nói: "Tóc em trông vẫn còn khá nhiều đấy chứ". Nhưng anh lại bảo: "Thế đấy, bây giờ mới biết tóc em rụng lung tung khắp nơi, sàn nhà chỗ nào cũng thấy tóc em, bẩn ơi là bẩn".

Em thấy đau nhói trong lòng, nghĩ rằng anh chẳng yêu em, chẳng để ý đến em. Về sau, em thấy trên sàn nhà càng ngày càng có ít tóc rụng của mình, em nghĩ là mình hết rụng tóc rồi, vì thế cũng chẳng lo lắng chuyện em sẽ trở thành một con hói nữa. Thế nhưng mấy hôm anh đi công tác vắng, em mới thấy trên sàn nhà có nhiều tóc hơn, trong thùng rác cũng thấy có một đống tóc bọc giấy báo.

Em bảo anh: "Hôm nay em đi chơi với mấy đứa bạn, tối nay về muộn đấy". Cứ tưởng anh sẽ quan tâm hỏi em: "Đi chơi với ai thế? Đi đường cẩn thận nhé, nhớ gọi điện về nhà, hoặc về sớm một chút,..." đại loại những câu như vậy. Thế nhưng anh lại bảo: "Tùy em, chỉ cần em vui là tốt rồi".

Em rất bực mình, cảm thấy anh chẳng yêu em, chẳng quan tâm em. Đêm hôm ấy em giận dỗi 3 giờ sáng mới về, lúc vào nhà em trông thấy nét mặt buồn ngủ bơ phờ của anh.

Em bảo anh: "Đây là cái áo khoác em chọn cho anh, mua từ hồi đổi mùa năm ngoái, cất trong tủ đã một năm. Bây giờ mùa đông mới sắp đến, em tặng anh sự ấm áp này". Cứ tưởng anh sẽ xúc động trả lời: "Cảm ơn em yêu của anh. Đây là sự ấm áp trong một mùa và cũng là kỷ niệm khó quên trong suốt đời anh". Thế nhưng anh lại nói: "Chắc là em mua trong dịp các cửa hàng đại hạ giá chứ gì?".

Em bực mình lắm, cảm thấy anh chẳng yêu em, chẳng hiểu em. Về sau khi đến cuối tháng 5, hết rét, mùa xuân bắt đầu trở về, em vẫn thường xuyên trông thấy anh mặc cái em gọi là áo khoác tình yêu, anh cho là áo hạ giá ấy. Em nghĩ đi nghĩ lại, đếm đi đếm lại mới kinh ngạc nhận thấy là hầu như ngày nào anh cũng mặc cái áo ấy đi làm.

Em bảo anh: "Em thích ăn món mì nguội của nhà hàng ở góc phố bên kia". Mới đầu em cứ tưởng là anh sẽ nói với em: "Thế thì ngày mai chúng mình cùng đi ăn nhé!" - Thế nhưng anh lại bảo: "Suốt ngày chỉ nghĩ chuyện ăn uống, sao em chẳng nghĩ xem hồi này mình có béo ra không".

Em xót xa trong lòng, cảm thấy anh chẳng yêu em, chẳng quan tâm em. Về sau em thấy anh hay mua nhiều loại tương vừng, tương lạc, lọ này hộp nọ, pha hết bát tương này đến bát tương khác cho em ăn.

Em bảo anh: "Em thật mừng là đã lấy anh, anh đúng là người chồng tốt nhất". Cứ tưởng anh sẽ vui vẻ đáp: "Anh cũng thấy em là người vợ tốt nhất". - Thế nhưng anh lại bảo: "Lấy nhau rồi chứ nếu chưa lấy thì em sẽ nghĩ thế nào nhỉ?".

Em tức lắm, cảm thấy anh chẳng yêu em, chẳng hiểu em. Về sau em vô tình phát hiện thấy tối nào anh cũng lấy giấy vệ sinh lau chùi tấm ảnh cưới của chúng mình để ở đầu giường, lau xong rồi ngẩn người ra mỉm cười ngắm tấm ảnh ấy khá lâu.

Em nghĩ cuối cùng em đã hiểu ra, dưới vẻ ngoài không quan tâm của anh có một trái tim khó diễn tả bằng lời nói, một trái tim yêu em. Thì ra anh vẫn yêu em, chỉ có điều anh chẳng nói gì - đây là cách yêu của anh, khác với mọi người.

Có người nói, khi bạn ra đời thì đã có một mối nhân duyên thiên định sinh ra dành riêng cho bạn. Song biển người mênh mông, thế giới rộng bao la, đời người đau khổ mà ngắn ngủi, làm thế nào mới có thể tìm được mối nhân duyên thiên định dành riêng cho mình ấy? Làm cách nào để có thể tìm được người bạn đời hoàn mỹ đó? Con người hiện đại chẳng bao giờ có thể cố chờ đến cùng mối nhân duyên trời cho ấy, chẳng thể dùng tuổi thanh xuân chóng tàn lụi và tâm trạng lo lắng để nín thở chờ đợi, và thế là anh (chị) thường rất miễn cưỡng chấp nhận chị (anh) theo gió mà bay đến với mình, nhưng sau đó lại luôn luôn so sánh người ấy với người bạn đời hoàn mỹ để rồi thất vọng hết lần này đến lần khác. Họ không biết rằng, thực ra hiểu được cách quý trọng con người ở bên mình và mình đã sở hữu - đấy mới là niềm hạnh phúc lớn nhất, tình yêu chân thật nhất.

Nếu có một tình cảm bền vững lâu dài và một tình cảm vẻ ngoài hào nhoáng nhưng lại chóng phai tàn thì bạn muốn lựa chọn tình cảm nào? Thế gian này có vô vàn đàn ông xuất sắc và đàn bà xinh đẹp, song tình cảm thật sự thuộc về bạn lại chỉ có một mà thôi. Dù thế nào đi nữa cũng chớ có vì ánh mắt của người khác mà thay lòng đổi dạ, bỏ mất tình yêu chân thành. Nhất thiết không được sống trong ánh mắt của kẻ khác mà đánh mất chính mình. Cũng mãi mãi đừng có tham lam quá. Tình yêu không phải là giấc mơ, như một truyện hài kể: Nếu ai đó cho rằng trên thế gian này có tình yêu mười phân vẹn mười thì người ấy chẳng phải là nhà thơ thì cũng là kẻ ngớ ngẩn. Cho nên chúng ta hãy để tâm gìn giữ, chăm sóc tình yêu bình thường không có gì là ghê gớm của mình.

Các nhà triết học nói: "Tình yêu tức là khi bạn biết người ấy không phải là người bạn sùng bái, hơn nữa rõ ràng còn có các khiếm khuyết này nọ, nhưng bạn vẫn cứ chọn người ấy, không vì các khiếm khuyết đó mà chối bỏ toàn bộ con người ấy." Đúng thế, không có một người yêu nào mười phân vẹn mười cả, cũng không có tình cảm nào không có chút tì vết, đó chính là người yêu và tình yêu đích thực. Đến bao giờ ta mới có thể bình tâm suy ngẫm về những lời nói ấy, nghĩ một chút về sự nực cười và ngây thơ của ta năm nào cố công theo đuổi một người tình hoàn mỹ?

Nếu có một người mà trong mắt bạn, người ấy không có khiếm khuyết gì hết, bạn kính sợ người đó nhưng lại khát khao muốn được gần gũi người đó, tình cảm ấy không gọi là "tình yêu" mà gọi là "sùng bái". Khi đã sùng bái thì phải tạo ra một thần tượng, giống như loại tô-tem, một thứ không máu không thịt. Tình yêu không cần thứ đó. Tình yêu là cái rành rành trước mắt có thể lấy tay chạm vào, dùng con tim để lĩnh hội.

Yêu là khi biết rõ ràng người ấy ăn mặc luộm thuộm mà bạn vẫn bằng lòng cùng người đó xuất hiện trước đám đông; là khi bạn coi khinh nghề buôn bán mà người ấy lại vẫn cứ là một tiểu thương đáng yêu của bạn; là khi bạn vốn có tính quá ưa sạch sẽ mà lại cam chịu rửa hộp cơm nhầy nhụa mỡ hoặc giặt đôi giày thể thao hôi hám của người ấy.

"Anh không phải là người xuất sắc nhất, nhưng em chỉ yêu một mình anh mà thôi!". Khi đọc câu ấy, ta có cảm giác như mường tượng thấy một đôi bạn đời từng trải qua muôn vàn sóng gió của cuộc sống đang nắm tay nhau thong thả dạo bước dưới ánh nắng ấm áp, nét mặt tràn trề hạnh phúc ôn lại quãng đời đã qua. Chuyện cũ đã xa rồi mà kỷ niệm xưa vẫn còn đấy mãi mãi...

Yi Ming (Trung Quốc)

Sunday, June 03, 2007

Nhân sinh quan luận

(source)
Giống như Phật Giáo có nhiều tông phái, Tịnh Độ, Thiền, Chân Ngôn (Mật Giáo ), và mỗi người, mỗi dân tộc đều có thể tự chọn riêng cho mình một đường phù hợp, tùy vào cơ duyên của từng loại chúng sanh. Một người lượm rác, khi đã đạt đến điểm cực ý của việc lượm rác, thì sẽ trở nên thông suốt mọi lý lẽ trong cuộc sống và có thể đàm luận với một tu sĩ hoặc một nhà khoa học hay một văn sĩ đã lên đến đỉnh điểm mà không hề kém cạnh. Phàm tất cả mọi việc, dù lớn dù nhỏ, dù rửa chén quét nhà lượm rác hay là bác sĩ cứu người, giáo viên dạy học, kỹ sư máy móc,... thì tất cả những công việc đó đều bình đẳng như nhau và đều khó như nhau. Một khi đã chuyên tâm đi một con đường và đạt cực ý của con đường đó thì sẽ thông hiểu hết mọi vấn đề còn lại.

Không có nghề cao quý, chỉ có con người cao quý. Không có kiếm pháp vô địch, chỉ có con người vô địch.
(Sưu tầm)

名人伝 (Bậc cao thủ)

Một truyện khác có cùng motif. Truyện search được theo lời kể của mhuy.
......................

(source)

(Link tiếng Nhật http://www.aozora.gr.jp/cards/000119/files/621_14498.html )

Ở thành phố Hàm Đan, thủ phủ nước Triệu thuộc Trung Hoa cổ đại, có một người tên là Ngật Trường mang hoài bão trở thành tay cung cừ nhất thế giới. Sau bao lần thăm hỏi, anh ta biết chắc rằng người thầy giỏi nhất nước là Ủy Phi. Nghe đồn tài bắn cung của bậc thầy này siêu đẳng đến mức cách trăm bước, ông có thể phóng cả bó tên trúng một cái lá liễu. Ngật Trường lặn lội đến tận cái tỉnh xa xôi nơi Ủy Phi sống và trở thành học trò ông.

Đầu tiên, Ủy Phi bảo anh ta phải học làm sao không chớp mắt. Ngật Trường trở về và bước vào nhà là chui liền xuống dưới khung cửi của vợ, nằm ngửa ra đó. Kế hoạch của anh ta là nhìn chằm chằm không chớp mắt vào cái bàn đạp lên lên xuống xuống thoăn thoắt ngay trước mặt anh. Người vợ kinh ngạc thấy anh trong tư thế ấy, nói nàng không thể dệt được khi có một người đàn ông, dù là chồng mình, nhìn ngó từ một góc độ kỳ lạ như thế. Tuy nhiên, nàng vẫn buộc phải dận bàn đạp mặc dầu rất bối rối.

Ngày lại ngày, Ngật Trường chiếm lĩnh cái vị trí kỳ khu của anh ta với khung dệt và tập nhìn. Sau hai năm, anh đạt tới trình độ không chớp mắt ngay cả khi bàn đạp vướng vào lông mi. Cuối cùng khi Ngật Trương từ khung cửi bò ra lần cuối cùng, anh ta nhận ra rằng công phu kỷ luật trường kỳ của mình đã có hiệu quả. Không có gì có thể làm anh ta nháy mắt được – một đòn đánh vào mi mắt, hoặc một tia lửa, hoặc một đám bụi thình lình bốc lên ngay trước mặt đều vô hiệu. Anh ta đã luyện cho cơ mắt bất động triệt để đến nỗi ngay cả khi ngủ, mắt anh vẫn mở trừng trừng. Một hôm, anh đang ngồi nhìn về phía trước, một con nhện nhỏ đã giăng tơ giữa hàng lông mi anh. Rút cục, bây giờ anh cảm thấy đủ tự tin để đến trình diện thầy.

“Biết làm sao cho khỏi chớp mắt chỉ là bước đầu”, Ủy Phi nói khi Ngật Trường sôi nổi kể lại sự tiến bộ của mình. “Tiếp đây, con phải học nhìn. Con hãy tập nhìn vào các vật và đến khi nào cái gì li ti trở nên rõ mồn một và cái gì bé nhỏ dường như trở thành đồ sộ thì hãy đến thăm ta một lần nữa”.

Ngật Trường lại trở về nhà. Lần này, anh ra vườn, tìm một con sâu bé tí tẹo. Khi tìm thấy một con hầu như không nhìn thấy bằng mắt trần, anh đặt nó lên một lá cỏ, treo lên cạnh cửa sổ thư phòng. Rồi, cắm vị trí ở cuối phòng, anh ngồi đó hết ngày này sang ngày khác, nhìn trân trân vào con bọ. Mới đầu, anh hầu như không thấy nó, nhưng sau mười hôm anh bắt đầu mường tượng là nó to ra chút xíu. Đến cuối tháng thứ ba, nó như đã phình ra bằng con tằm và anh có thể nhận ra những chi tiết trên mình nó.

Trong khi ngồi nhìn chăm chú vào con sâu, Ngật Trường hầu như chẳng để ý gì đến những lúc chuyển mùa – nắng xuân long lanh chuyển thành ánh hè chói chang; chẳng bao lâu ngỗng trời bay ngang bầu trời thu trong vắt, rồi đến lượt mùa thu lại nhường chỗ cho mùa đông xám xịt đầy mưa tuyết. Dường như không có gì tồn tại ngoài con vật nhỏ trên lá cỏ. Cứ mỗi con sâu chết hoặc biến mất, anh ta lại sai tiểu đồng thay bằng con sâu khác cũng nhỏ li ti như thế. Nhưng dưới mắt anh, chúng đều không ngừng to ra.

Trong ba năm, anh hầu như không rời khỏi thư phòng. Rồi một ngày kia, anh thấy con sâu bên cửa sổ to bằng con ngựa. “Ta đã thành công!”, anh vỗ đầu gối kêu lên, và vừa nói vậy anh vừa hối hả ra khỏi nhà. Anh gần như không thể tin ở mắt mình nữa. Ngựa lớn tày núi, lợn to như đồi và gà thì bằng chòi canh lâu đài. Nhảy cẫng lên mừng rỡ, anh chạy về nhà lập tức lắp một mũi tên Shuo Piêng rất mảnh vào một cây Nhạn cung. Anh ngắm và bắn xuyên tim con bọ mà không đụng vào nhánh cỏ. Anh vội đến trình diện Ủy Phi không chậm trễ. Lần này, ông thầy khen: “Tốt!”.

Từ khi Ngật Trường lao vào tìm hiểu những bí ẩn của nghề cung đến nay đã được 5 năm và anh cảm thấy sự rèn luyện nghiêm ngặt của mình đã đơm hoa kết quả. Giờ đây, không một thành tích xạ điêu nào là quá sức anh. Để khẳng định điều đó, anh tự đề ra một loạt khảo nghiệm gay go trước khi trở về nhà.

Thoạt tiên, anh ta quyết định thi đua với thành tích của chính Ủy Phi và cách một trăm thước, anh bắn đạt hoàn toàn, mũi tên nào cũng xuyên qua chiếc lá liễu. Mấy ngày sau, cũng vần một mục ấy, anh dùng cây cung nặng nhất và đặt một cốc nước đầy tới miệng trên khuỷu tay phải cho cân; không một giọt nước nào trào ra và một lần nữa, mọi phát tên đều trúng đích.

Tuần sau, anh lấy một trăm mũi tên nhẹ và bắn liên tiếp thật nhanh vào một mục tiêu ở xa. Phát đầu trúng giữa hồng tâm, phát thứ hai xuyên trúng vào cuống mũi tên đầu; phát thứ ba vào cuống mũi tên thứ hai; và cứ thế tiếp tục cho đến khi, nháy mắt, cả trăm mũi tên nối thành một đường thẳng tắp duy nhất từ mục tiêu đến chính cây cung. Anh ngắm trúng đến nỗi, bắn xong rồi, chuổi tên dài dặc chưa kịp rơi xuống đất, mà vẫn còn rung rung trong không trung. Bấy giờ, ngay cả sư phụ Ủy Phi đứng bên theo dõi cũng không dưng được vỗ tay reo lên: “Hoan hô!”.

Cuối cùng, sau hai tháng, khi Ngật Trường về nhà, người vợ bực về nỗi bao lâu bị bỏ mặc, bắt đầu rầy la chồng. Với ý đồ sửa cái thói lăng loàn của nàng, Ngật Trường nhanh nhẹn lắp một mũi tên Chi Wei vào một cây ô cung, kéo dây căng đến hết mức và bắn sát sạt vào phía trên mắt nàng. Mũi tên rứt đi ba sợi lông mi, nhưng tốc độ nó bay quá nhanh và độ ngắm đảm bảo đến nỗi nàng không hề biết có chuyện gì xảy ra và, thậm chí không chớp mắt, vẫn tiếp tục cự nự chồng.

Ngật Trường không còn gì phải học ở ông thầy Ủy Phi nữa. Xem ra anh đã gần đạt đến chỗ thực hiện tham vọng của mình. Tuy nhiên, vẫn còn một trở ngại – anh nhận ra với một cái giật thót khó chịu: trở ngại ấy chính là bản thân Ủy Phi. Chừng nào sư phụ còn sống thì Ngật Trường chưa thể tự xưng là tay cung lỗi lạc nhất thế giới. Tuy hiện nay anh đã bằng Ủy Phi trong nghề cung, song anh cảm thấy chắc chắn là không bao giờ anh có thể trội hơn ông. Cuộc sống của con người ấy thường xuyên ngăn anh đạt tới cái đích lớn của anh.

Một hôm, đi dạo qua cánh đồng, Ngật Trường chợt thấy Ủy Phi đằng xa. Không lưỡng lự một giây, anh giơ cung lên, lắp tên và ngắm bắn. Tuy nhiên, ông thầy già đã cảm thấy điều đang xảy ra và nhanh như chớp, cũng lắp một mũi tên vào cung của mình. Hai người bắn cùng một lúc. Hai mũi tên đụng vào nhau giữa đường và cùng rơi xuống đất. Ngật Trường lập tức bắn một mũi tên khác, nhưng nó lại bị chặn ở lưng chừng bởi một mũi tên cực kỳ chính xác từ cánh cung của Ủy Phi. Cứ thế, cuộc song đấu kỳ lạ ấy tiếp diễn cho đến lúc bao đựng tên của vị sư phụ hết nhẵn, trong khi tên đồ đệ hãy còn một mũi. “Dịp may của ta đây rồi!” Ngật Trường lẩm bẩm và không chậm trễ, ngắm phát cuối cùng. Thấy vậy, Ủy Phi liền bẻ một nhánh ở bụi gai cạnh ông. Trong khi mũi tên veo véo nhằm thẳng tim ông lao tới, ông búng một mũi gai trúng pắp khiến nó rơi xuống chân mình.

Nhận thấy âm mưu xấu xa của mình đã thất bại, Ngật Trường thấy lòng tràn đầy hối hận, điều mà, nói thật ra hẳn anh sẽ không hề cảm thấy nếu như một trong những mũi tên của anh bắn trúng vào chỗ đã định. Về phía mình, Ủy Phi cũng nhẹ hẳn người vì thoát chết và hết sức hài lòng với bằng chứng mới nhất về tài nghệ tuyệt kỹ của chính mình đến nỗi ông không còn bụng nào mà giận dữ kẻ suýt nữa đã sát hại ông. Hai thấy trò chạy lại ôm lấy nhau với những giọt nước mắt thành tâm. (Cung cách thời xưa quả là kỳ dị làm sao! Ngày nay, liệu ai có thể quan niệm lối xử sự như thế được? Trái tim người xưa chắc hẳn phải khác trái tim chúng ta hoàn toàn. Nếu không thì làm sao có thể cắt nghĩa được rằng, một buổi tối, khi Tề Hoàn Công đòi ăn một thứ mỹ vị mới, viên Thái tể trông nom bếp của hoàng gia đã nướng luôn con trai mình, mời Tề Hoàng Công nếm thử, hoặc rằng gã thiếu niên 15 tuổi, sau này là Hoàng đế thứ nhất của nhà Tần, đã chẳng chút áy náy, ngay đêm vua cha chết đã làm tình ba lần với cung phi sủng ái nhất của ông già?). Trong khi ôm hôn tha thứ cho tên học trò cứng đầu cứng cổ, Ủy Phi biết rằng cuộc sống của mình có thể lại bị đe dọa bất cứ ngày nào. Cách duy nhất để trừ bỏ mối đe dọa thường xuyên ấy là hướng tâm trí Ngật Trường về một mục tiêu nào đó.

“Con ạ”, ông đứng sang bên nói, “như con thấy đó, nay thầy đã truyền cho con tất cả những gì thầy biết về nghề cung. Nếu con muốn đi sâu hơn nữa vào những bí ẩn đó, thì hãy qua cái đèo cao Đại Hành ở Tây ban và leo lên đỉnh núi Hồ. Tại đó, con có thể tìm thấy lão sư phụ Khán Ảnh; trong nghệ thuật bắn cung, thầy cũng như bất cứ thầy nào khác, không ai bằng được người. So với người, tài của chúng ta chỉ là trò trẻ vụng dại. Ngoài sư phụ Khán Ảnh ra, trên đời này chẳng còn có ai đáng để con học. Hãy tìm bằng được người nếu quả người còn sống, và xin làm học trò người.”

Ngật Trường lập tức lên đường đi về phía Tây thấy thành tích của mình bị gọi là trò trẻ, anh ta vừa chạm tự ái, vừa sợ là mình còn xa mới thực hiện được tham vọng. Anh phải cấp tốc leo núi Hồ, không để mất chút thời gian nào và đọ tài với vị sư phụ già nọ.

Anh qua đèo Đại Hành và rẽ lên ngọn núi lởm chởm. Giày anh chẳng mấy chốc đã mòn xơ, chân cẳng bị xước, rớm máu. Không mảy may sờn lòng, anh hì hục leo ngược những vực nguy hiểm và đi qua những mảnh ván hẹp chênh vênh bắc qua những khe nứt rộng. Sau một tháng, anh tới đỉnh núi Hồ và hăm hở lao vào hang đá nơi Khán Ảnh ở. Đó là một ông già có cặp mắt hiền như mắt cừu. Quả thật, Khán Ảnh già đến phát sợ - già gấp bội hơn bất kỳ ai Ngật Trường đã từng thấy. Lưng cụ còng và khi bước đi, mái tóc bạc kéo lê sát đất.

Tưởng ai vào cái tuổi ấy tất cũng điếc. Ngật Trường lớn tiếng báo: “Cháu tới đây để xem thử cháu có phải là cao thủ xạ điêu như cháu tưởng không”. Không chờ Khán Ảnh trả lời, anh lấy cây cung lớn bằng gỗ dương anh mang theo trên lưng , lắp một mũi tên Tru chích và nhắm vào một đàn chim di trú lúc đó vừa bay qua trên đầu. Lập tức năm con rớt xuống qua bầu trời trong xanh. Cụ già mỉm cười độ lượng và nói: “Nhưng thưa các hạ, đó chỉ là bắn bằng cung tên. Các hạ đã học bắn mà không phải bắn chưa? Xin cùng đi với tôi”.

Hoang mang vì không khiến được lão ẩn sĩ phục tài, Ngật Trường lặng lẽ theo ông cụ đến một bờ vực lớn cách hang đá chừng hai trăm bước. Khi ngó xuống, anh ngỡ mình đang thực sự đứng trước “bức đại bình phong cao ba nghìn thước” mà Changsai đời xưa đã mô tả. Tít bên dưới, anh thấy một dòng suối ngoằn ngoèo như một sợi chỉ lấp lánh trên những phiến đá. Mắt anh trở nên nhòe đi và đầu anh bắt đầu đảo. Trong khi đó sư phụ Khán Ảnh chạy nhẹ nhàng tới một gò đá hẹp chồi thẳng ra trên miệng vực và quay lại nói: “Bây giờ các hạ hãy phô diễn tài thật của mình đi. Hãy đến chỗ lão đang đứng và cho lão thấy tài cung của các hạ nào”.

Ngật Trường vốn rất tự ái nên không thể từ chối lời thách thức và không ngần ngừ, đổi chỗ với ông lão. Tuy nhiên, anh vừa bước lên gờ đá, nó liền khẽ đu đưa qua lại. Làm ra vẻ mạnh bạo – điều mà anh không hề cảm thấy thực sự - Ngật Trường lấy cung và bằng những ngón tay run rẩy, cố lắp một mũi tên vào, nhưng vừa lúc ấy, một hòn sỏi lăn khỏi gờ đá và bắt đầu rơi hàng nghìn thước qua không gian. Đưa mắt nhìn theo, Ngật Trường cảm thấy khéo mình sắp mất thăng bằng. Anh nằm xoài lên gờ đá, các ngón tay bíu chặt lấy hai mép. Chân anh run bần bật và mồ hôi vã ra toàn thân.

Cụ già cả cười, giơ tay ra đỡ Ngật Trường lên khỏi gờ đá. Tự mình nhảy phắt ra đó, cụ nói: “Xin các hạ cho phép lão bày tỏ để các hạ thấy nghề cung thật sự là thế nào”. Mặc dầu tim Ngật Trường đập như trống làng và mặt anh nhợt ra như người chết rồi, anh vẫn còn đủ tỉnh táo để nhận thấy trong tay vị sự phụ không có gì. “Thế còn cung của lão trượng?” – Anh hỏi bằng giọng như cất lên từ dưới mồ. “Cung của lão ư?” Cụ vừa cười vừa nhắc lại, “Chừng nào còn cần đến cung tên thì mới chỉ mon men bên rìa nghệ thuật thôi. Xạ thuật thực sự miễn cần cả cung lẫn tên”.

Ngay trên đầu họ, một con diều hâu lẻ loi đang bay trong bầu trời. Bậc ẩn sỹ ngước nhìn nó và Ngật Trường cũng nhìn theo. Con chim bay cao đến nỗi ngay cả với cặp mắt sắc sảo của anh, nó chỉ tựa như một hạt vừng bé tẹo. Khán Ảnh lắp một mũi tên vô hình và một cây cung tưởng tượng, kéo dây cung hết cỡ rồi buông ra. Ngật Trường như nghe đánh xoẹt một cái, lúc sau, con diều hâu ngừng đập cánh và rơi như một hòn đá xuống đất. Ngật Trường thất kinh. Anh cảm thấy giờ đây lần đầu tiên anh thấy được giới hạn của các nghệ thuật mà anh đã bắt tay vào luyện rèn để làm chủ một cách trôi chảy biết bao.

Chín năm liền, anh ở lại trên núi với vị lão ẩn sỹ. Trong thời gian ấy, anh đã trải qua những phép tắc kỷ luật gì, chẳng ai biết được. Đến năm thứ mười, khi anh xuống núi trở về nhà, tất cả đều ngạc nhiên thấy anh thay đổi hẳn. Cái vẻ quả quyết và ngạo mạn trước kia của anh đã biến mất, thay vào đó là cái bộ dạng vô cảm, đờ đẫn của một gã ngây độn. Ông thầy cũ của anh đến thăm anh, thoáng nhìn một cái đã nói: “Bây giờ ta có thể thấy con đã thật sự trở thành cao thủ! Đến mức thậm chí ta không đáng chạm vào chân con nữa”.

Dân thành Hàm Đan đón chào Ngật Trường như tay cung cự phách nhất đời và nôn nóng chờ những kỳ tích mà chắc hẳn ông sẽ sớm phô diễn. Nhưng Ngật Trường không làm gì thỏa mãn lòng mong đợi của họ. Không một lần nào ông đặt tay lên một cây cung hay một mũi tên. Cây cung lớn bằng dương ông mang theo trong cuộc hành trình, hiển nhiên là ông đã bỏ lại. Khi có người đề nghị ông giải thích ông trả lời giọng uể oải: “Giai đoạn tột cùng của hoạt động là không hoạt đông; giai đoạn tột cùng của nói năng là nín lặng; tột cùng trong xạ kỷ là thôi không bắn”. Những người dân sáng dạ của thành Hàm Đan hiểu ngay ý nghĩa lời ông và đứng sững kính nể trước nhà đại cao thủ xạ kích từ chối không đụng đến một cây cung này. Chính việc từ chối không chịu bắn đã khiến danh tiếng của ông càng lớn.

Đủ các thứ tin đồn và giai thoại được lan truyền rộng xung quanh Ngật Trường. Nghe nói là cứ sau nửa đêm, người ta có thể nghe thấy ai đó kéo một dây cung vô hình trên mái nhà mình. Có người bảo đó là vị thần xạ thủ hằng ngày ở trong linh hồn bậc thầy này và đến đêm, thoát ra để bảo vệ ông chống lại mọi ác quỷ. Một thương gia ở gần đó truyền đi cái tin là một đêm, lão ta thấy rõ ràng Ngật Trường cưỡi một đám mây ngay bên trên nhà lão; duy có lần ấy, ông mang cung và thi tài với Hậu Nghệ và Dưỡng Do Cơ, hai xạ thủ trứ danh của những thời huyền thoại. Lại có một tên trộm thú thật rằng hắn sắp sửa trèo vào nhà Ngật Trường thì chợt có một luồng không khí ào qua cửa sổ, quất vào trán hắn mạnh đến nỗi hắn ngã nhào xuống chân tường. Từ đó, tất cả những kẻ nuôi những ý đồ xấu xa đều tránh vùng xung quanh nhà Ngật Trường và người ta còn nói là cả những bầy chim di trú cũng tránh không bay trên mái nhà ông.

Danh tiếng ông truyền khắp nước, thấu tận mây xanh và Ngật Trường ngày một già. Hình như càng ngày ông càng nhập vào trạng thái trong đó cả tâm trí và thể xác đều không chú ý đến những sự vật bên ngoài mà đơn độc tồn tại trong sự thanh thản, đơn sơ và tao nhã. Bộ mặt thản nhiên của ông trút bỏ mọi vết tích của biểu cảm; không một ngoại lực nào có thể quấy rối sự trầm tĩnh hoàn toàn của ông. Bây giờ rất hiếm khi ông nói và người ta cũng không thể khẳng định rằng ông có còn thở hay không. Nhiều khi chân tay ông dường như trần trụi và vô sinh khí như một cây héo. Ông trở nên hòa đồng với những quy luật cơ bản của vũ trụ, xa biệt khỏi những bấp bênh và mâu thuẫn của sự vật ngoại hiện, đến nỗi trong buổi xế chiều của cuộc đời, ông không còn biết đến sự khác nhau giữa “tôi” với “nó”, giữa “cái này” với “cái kia” nữa. Tình muôn hình nghìn vẻ của những ấn tượng giác quan không còn liên quan đến ông nữa; mắt ông có thể là tai, tai có thể là mũi, mũi có thể là mồm, ông cũng bất cần.

Bốn mươi năm sau khi xuống núi, Ngật Trường bình yên từ giã cõi đời như làn khói biến vào bầu trời. Trong bốn mươi năm ấy, ông không một lần nhắc đến chuyện xạ thuật, nói chi đến cung tên.

Về năm cuối cùng của đời ông, có chuyện rằng: một hôm ông đến thăm nhà một người bạn và thấy trên bàn một vật trông quen quen mà ông không sao nhớ nổi tên và công dụng của nó. Sau khi lục soát trí nhớ một cách vô hiệu, ông quay sang người bạn và nói: “Xin thân hữu cho biết: cái vật trên bàn kia tên nó là gì và nó dùng để làm gì?’. Chủ nhân bèn cười lớn như thể Ngật Trường nói đùa. Ông già hỏi gặng thêm, nhưng người bạn lại cười, tuy lần này thì có phần phân vân. Khi được hỏi lại nghiêm túc đến lần thứ ba, một vẻ sững sờ hiện lên trên mặt người bạn. Ông ta nhìn chăm chăm vào Ngật Trường và sau khi chắc chắn rằng mình đã nghe đúng cũng như ông già không điên cũng chẳng nói rỡn, ông ta lắp bắp bằng một giọng kinh dị: “Ôi, tôn sư, ngài quả là bậc thầy lớn nhất của mọi thời đại. Chỉ có như vậy ngài mới có thể quên được cái cung – quên cả tên lẫn công dụng của nó!”.

Nghe nói là sau đó ít lâu, ở thành Hàm Đan, họa sĩ bỏ bút vẽ, nhạc công dứt đứt dây đàn và thợ mộc thì xấu hổ mỗi khi bị trông thấy tay cầm thước.

Dương Tường dịch

Lập trình sư

Nguồn http://tvi.tinhvan.com/tvi_blogs/mlnews.2006-11-06.7430151063

Vài thế kỷ trước tại Hà thành có chàng trai trẻ tên gọi Tích Gia Văn, là sinh viên năm cuối khoa Công nghệ thông tin Đại học Bách khoa Hà Nội. Văn bình sinh thích viết phần mềm máy tính, rất có kỹ năng lập trình. Không những bạn bè đồng khoá đều khâm phục chàng mà ngay cả các giáo sư uyên bác cũng phải nể vì, coi Văn như một tài năng thuật toán đầy triển vọng. Các đoạn mã Văn viết ra bao giờ cũng sáng sủa, lề chuẩn, đầy đủ comment nhưng lại rất súc tích và tối ưu về giải thuật.

Tốt nghiệp loại xuất sắc nhưng Tích Gia Văn không vội vàng tiếp nhận những lời đề nghị làm việc ở những vị trí then chốt trong các công ty phần mềm lớn. Cái mà chàng cần lúc này là một sự nghiệp lẫy lừng, một danh tiếng vọng toả trong giới lập trình viên toàn thế giới. Văn quyết định tiếp tục con đường học vấn. Chàng tìm sang Ấn Độ làm thạc sĩ khoa học dưới sự hướng dẫn của một vị giáo sư uyên bác người Việt gốc Mỹ, giảng viên một trường đại học lớn ở Bangalore. Sau buổi sát hạch, vị giáo sư bảo Văn: “Cậu có kỹ năng tốt, chỉ còn thiếu kỷ luật”. Văn buồn lắm, nhưng ý chí cầu tiến khiến chàng trong suốt ba năm ròng rã quyết tâm theo thầy mà tự khép mình vào thứ kỷ luật nghiệt ngã của đủ mọi loại qui trình sản xuất và qui trình quản lý chất lượng phần mềm. Sau ba năm Tích Gia Văn đã trở nên một trưởng dự án siêu hạng, có thể phụ trách những project cực lớn với sự tham gia đồng thời của hàng chục ngàn lập trình viên thuộc đủ mọi sắc tộc.

Xong luận án thạc sĩ ở Ấn độ, Văn xin được học bổng sang Hoa Kỳ làm tiến sĩ ở Silicon Valley, tiếp tục con đường phát triển sự nghiệp của mình. Ông thầy tiếp theo của Văn là một học giả lớn gốc Campuchia, người chuyên viết các khảo cứu về chất lượng mã nguồn cho các công ty phần mềm đạt tiêu chuẩn CMM5 trở lên. Sau khi tiếp xúc, ông bảo Văn: “Cậu có kỹ năng và kỷ luật tốt, chỉ còn thiếu sáng tạo”. Cảm thấy hổ thẹn về lời nhận xét quá chính xác, Văn cật lực theo ông thầy lăn vào những cuộc luyện tập sáng tạo vô bờ. Kết quả của công cuộc đó là những phần mềm tuy nhỏ, nhưng kỳ diệu đến mức có sản phẩm đã được đề cử Probel - một giải thưởng dành cho những phần mềm sáng tạo xuất chúng, tương đương với giải Nobel trong khoa học. Ba năm sau, vào năm Giáp Dậu, trong buổi lễ nhận văn bằng tiến sĩ, ông thầy gọi Văn đến mà bảo rằng: "Trình độ của ta nay cũng không bén gót cậu được nữa, giờ là lúc cậu tung hoành rồi". Nói đoạn cho Văn xuất môn.

Cũng vào mùa thu năm đó, Việt nam đứng ra đăng cai tổ chức cuộc thi Lập trình Quốc tế lần thứ nhất tại núi Trúc, ngọn núi cao nhất trong dãy núi Bò ở thủ đô Hà Nội. Đây là cuộc thi thu hút các tài năng lẫy lừng nhất trên khắp thế giới về tham dự. Tất nhiên Tích Gia Văn không thể bỏ lỡ cơ hội mỗi năm có một này, bởi đó là dịp để chàng thể hiện tài năng xuất chúng cùng những tuyệt chiêu cái thế sau bao năm tu luyện ở hải ngoại. Văn tự tin rằng với trình độ hiện có, chàng sẽ nắm chắc giải nhất, nếu không nói là giải đặc biệt. Quả thật lúc đó danh tiếng của Tích Gia Văn đã lớn đến mức khi chàng đáp máy bay trở về Việt nam dự thi, hơn hai ngàn thiếu nữ mắt vàng môi tím quần lót áo yếm - là mốt thời thượng khi đó đã chầu chực sẵn ở sân bay Nội Bài để được chiêm ngưỡng dung nhan và xin chữ ký của chàng. Bộ trưởng Bộ Phần mềm cũng đích thân ra tận chân cầu thang máy bay đón nhân tài đất Việt hồi hương.

Vòng sơ khảo diễn ra khẩn trương, các đối thủ bọt bèo nhanh chóng bị loại. Nhiều thí sinh đến từ Mỹ, Ailen, Israel, Trung Quốc, Ấn Độ… hết sức buồn rầu, thất vọng và tức giận vì không được lọt vào vòng trong. Nhưng biết làm sao khi họ không đủ tài năng và đức độ. Tích Gia Văn dẫn đầu vòng sơ khảo và lọt vào vòng chung kết cùng hai thí sinh khác, đều là người Việt, tên là Tồn Toàn Lương và Mặc Kim Chân. Cuộc thi chung kết được tổ chức đúng vào một buổi tối mùa thu heo may nhè nhẹ, khán giả tập trung về núi Trúc đông đến nghẹt thở. Một hàng rào cảnh sát được giăng kín dưới chân núi để đảm bảo an toàn cho cuộc thi. Trên đỉnh núi đèn hoa chăng rực rỡ. Sau lời khai mạc trọng thể và cảm động, Ban giám khảo dõng dạc đọc đề thi chung cho cả ba thí sinh: “Lập phần mềm diễn giải các giấc mơ theo vô thức tập thể của Jung”. Thời gian làm bài là 30 phút, không kể thời gian cúi chào. Trên khán đài, ba nàng thiếu nữ sắc đẹp mê hồn cơ thể tuyệt mỹ ăn vận hở hang đang nằm tênh hênh thiu thiu ngủ trên ba chiếc xô-pha. Những bộ cảm biến vô cùng tinh tế được gắn vào vầng trán thanh khiết của các mỹ nhân, thu lại những cơn mơ êm ái và truyền vào hệ thống máy tính như đầu nhập dữ liệu. Một màn hình không gian cực lớn độ nét siêu đẳng được trang trọng đặt giữa khán đài, khiến cho trong vòng trăm dặm đều có thể thấy rõ những gì đang diễn biến.

Tích Gia Văn thở phảo nhẹ nhõm. Đề thi lần này chàng thông hiểu như lòng bàn tay vì đã lập không ít hơn 300 phần mềm tương tự. Là người trình diễn đầu tiên, Văn tự tin bước lên khán đài. Chàng cúi chào khán giả trong tiếng vỗ tay hoan nghênh nồng nhiệt của các ái mộ viên, rồi khoan thai bước đến bên chiếc máy tính để sẵn. Văn nhắm mắt hít một hơi thật sâu và đặt nhẹ hai tay lên bàn phím. Toàn bộ design cùng hàng ngàn diagram của bài toán đã được chàng thiết kế hết sức cặn kẽ - bên trong não bộ. Đột nhiên từng dòng từng dòng mã lệnh tuôn trào từ đôi bàn tay thanh tú. Các khối lệnh cùng các mảng nhị phân do Văn trực tiếp gõ bằng mã máy cứ dồn lên dồn xuống nhịp nhàng, hào hoa và vô cùng chuẩn xác. Không một lần phải nhấn nút Delete, không một lần cần bấm BackSpace. Ban giám khảo chỉ biết nín thở lắc đầu thán phục. Tích Gia Văn hoàn tất bài thi trước thời gian qui định 5 phút. Toàn bộ chương trình của chàng không hề có lấy một lỗi nhỏ trong cú pháp hay thuật toán, hơn nữa còn được tối ưu bởi phép biến mã Korpio-Kaluza-Klein. Nắm chắc giải vô địch trong tay, Văn kiêu hãnh cúi chào khán giả, khẽ hôn gió cảm tạ ba thiếu nữ vẫn đang mơ màng giấc điệp rồi khoanh tay lùi qua một bên.

Sau Tích Gia Văn là phần trình diễn của Tồn Toàn Lương, thí sinh thứ hai. Lương người nhỏ gầy, da trắng, vốn là tiến sĩ nhạc viện Hà nội nhưng vì trót thích vi tính nên đã học thêm bằng hai về kỹ nghệ phần mềm. Tồn Toàn Lương quay sang nhìn Văn đầy vẻ thông cảm, đoạn yêu cầu Ban giám khảo cho đặt một chiếc micro nhạy cạnh bàn phím nơi chàng trình diễn. Không gian đột nhiên tĩnh lặng. Đám đông hàng trăm ngàn người mà im phăng phắc, chỉ còn lác đác những tiếng tim đập rộn ràng vì hồi hộp của các thiếu nữ mới lớn. Bỗng những âm hưởng lạ lùng bất chợt vang lên, khi sâu lắng da diết, khi hào hùng cuồn cuộn. Đó là những âm thanh của sự tiếp xúc những ngón tay Lương với các con chữ trên bàn phím. Chúng làm nên cả một dàn nhạc giao hưởng với hàng trăm loại nhạc cụ khác nhau, hoà quyện trong giai điệu tuyệt vời của bản giao hưởng Hành khất, số 9 op 16 cung fa giáng trưởng của nhạc sĩ thiên tài Phsytomum. Song song với đó là những dòng lệnh bất tận tuôn trào trên màn hình cực lớn. Mọi người cùng choáng lặng đi trong những âm thanh trầm hùng, trong khung cảnh của một buổi đại hoà nhạc lạ lùng nhất thế kỷ. Bàn giao hưởng kéo dài đúng 29 phút 35 giây, và phần mềm được hoàn tất với đầy đủ các tính năng cần có, không lỗi và trọn vẹn.

Phần thi thứ ba do thí sinh Mặc Kim Chân trình diễn. Chân người cao lớn, mặt rất đen, vận bộ đồ ký giả, trông đăm chiêu ngơ ngác như đang suy tính điều gì mông lung lắm. Chương trình của Chân làm ra cũng được đánh giá là không kém phần hoàn thiện so với hai chương trình trước, nhưng cách gõ lệnh của Chân không có được nhạc tính hào hùng như của Lương, thời gian làm bài lại lâu hơn của Văn chừng 2 phút. Tuy nhiên khi ban giám khảo review lại những đoạn code Chân viết thì cả biển người bỗng sững sờ kinh ngạc. Văn cũng lặng đi vì hãi hùng khi đọc thấy trên màn hình không chỉ là những trang mã lệnh khô khan mà là cả một trường thi đại tác. Cách sử dụng cú pháp liên hoàn của 32 liên ngữ lập trình, cách đặt tên biến và tên hàm, cách khai báo các lớp và khởi tạo đối tượng của Mặc Kim Chân khéo léo đến độ đã biến toàn bộ những dòng lệnh và chú giải xen kẽ trong chương trình thành một bài thơ lục bát liên hoàn, lời lời tựa mây vần gió vũ uyển chuyển bất tận, đọc xuôi cũng không được mà đọc ngược cũng không xong. Không những thế phần mềm của Chân còn sinh thêm những yếu tố ngẫu nhiên trong cách luận giải giấc mơ, khiến kết quả trở nên vô cùng chính xác.

Tất nhiên năm đó Tích Gia Văn đành ngậm ngùi ôm giải ba. Tài năng của Tồn Toàn Lương và Mặc Kim Chân khiến chàng cảm thấy bất lực trên con đường chinh phục đỉnh cao của trình nghiệp. Có kẻ cho Văn hay rằng cả hai đối thủ trong cuộc thi hôm đó đều là đệ tử chân truyền của một đại cao thủ hiện đang ẩn thân trên hang Gió thuộc đỉnh Phan-xi-păng quanh năm mây phủ. Không chần chừ, chàng lại khăn gói quả mướp đem lễ vật leo núi tầm sư học đạo. Tới nơi, Văn gặp một cụ già lông trắng tóc xanh, gần như khoả thân đang múa hát giữa gió núi lồng lộng. Xung quanh hoa cỏ tưng bừng, chim thú tụ tập rất đông. Biết là kỳ nhân Văn vội đến quì lạy, hai tay nâng chiếc laptop cấu hình cực mạnh lên làm lễ vật, đoạn xin khấu kiến. Chỉ thấy ông già mỉm cười âu yếm, bước lại gần Văn hỏi: “Cậu xin học gì”. Văn đáp: “Xin học lập trình”. Ông già lại nhẹ nhàng hỏi: “Không có máy tính cậu có lập trình được không?”. Văn nghe vậy thì giật mình, run tay đánh rơi cả lễ vật. Chiếc laptop tuột khỏi tay lao thẳng xuống vực sâu muôn trượng vỡ tan như cát bụi. Ông già ngắm Văn một chặp rồi cười nói: “Cậu có kỹ năng, kỷ luật và sáng tạo tốt, chỉ còn thiếu duyên dáng”. Văn nghe vậy thì hoang mang quá, không dám ngẩng đầu lên. Ông già lại tiếp: “Con người vốn đã quen lập trình từ rất lâu trước khi có computer. Bác thợ săn lập trình cho đường tên mũi đạn, anh nông dân lập trình cho mùa vụ bội thu, đám thương gia lập trình cho đầu tư sinh lãi, các tình nhân lập trình để chăn gối giao hoan, bà nội trợ lập trình cho gạo cơm bếp núc, ông văn sĩ lập trình cho con chữ câu thơ. Thoảng hoặc có nhà tư tưởng vĩ đại lập trình cho phát triển của toàn xã hội, có vị hoàng đế hùng mạnh lập trình cho số phận của cả quốc gia… Chung qui lại cũng không thoát khỏi cái Chương trình lớn đã được lập trình sẵn bởi Tạo Hoá”. Văn bắt đầu ngộ ra, thưa: "Vậy lập trình không máy tính là thế nào?". Ông già cười ha hả, đáp: "Người là máy, máy là người, khi không có máy thì mọi vật đều là máy, khi có máy thì máy cũng không còn là máy nữa. Làm sao tự lập trình được cho bản ngã mới là công quả vậy". Cứ thế hai thày trò một người giảng giải, một người lắng nghe. Khát thì uống sương trời ngưng đọng. Đói thì ăn chim thú rán giòn. Chốc đà mấy thu đã trôi qua.

Ba năm sau Tích Gia Văn từ biệt sư phụ hạ sơn về miền trung lập nghiệp, thành lập công ty du lịch lữ hành và khách sạn lớn nhất ở bãi biển Thiên Cầm thuộc huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh. Hàng ngày nghe tiếng sóng gió lao xao, nhìn bờ cát trắng thoải dài, ngắm hai bờ đá núi xanh ngắt. Sáng lên non chạy đua chim bướm, chiều xuống biển lặn thi cá rồng. Lấy vợ đẻ con. Ngâm thơ uống rượu. Vào mùa khách khứa thì tất bật lo toan, những lúc rảnh rang thì chơi golf tennis. Có điều lạ là Tích Gia Văn tuyệt nhiên không động đến máy tính, thiết bị, nối mạng, bảo mật, lại càng không bao giờ lập trình nữa. Thế mà thiên hạ ai cũng gọi Văn là Lập trình sư.

Đại từ điển Bách khoa thư tiếng Việt, xuất bản năm 2056, trang 4581, dòng 21 có định nghĩa về Lập trình sư: "Là lập trình viên đẳng cấp cao, tự lập trình được cho bản ngã, chương trình chạy ít lỗi, tiết kiệm tài chính, bảo mật, an toàn trước tai hoạ và môi sinh, ổn định trước nổi trôi của thế cuộc, khiến cuộc sống bản thể thêm kỳ diệu lo âu mà huyền ảo, khiến xã hội thêm đa dạng rối ren mà phong phú".

Theo định nghĩa này thì Tích Gia Văn cũng đáng được gọi là Lập trình sư vậy.


(ST)
Tác giả: Bàn tải cân